Tại Việt Nam hiện nay, cùng với sự tăng trưởng kinh tế kéo theo tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhiều dự án đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, khu đô thị, chung cư, trung tâm thương mại được xây dựng ngày càng nhiều, nhu cầu lắp đặt thang máy tăng cao.
Thị trường thang máy Việt Nam đang sử dụng vận hành khoảng 400.000 thang máy, thang cuốn và băng tải chở người, với nhu cầu lắp đặt mới hằng năm khoảng 35.000 chiếc. Thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng trên 400 doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực thang máy, bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ thị trường thang máy tại Việt Nam.
Đánh giá về tiềm năng thị trường thang máy Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) Nguyễn Hải Đức cho hay, dư địa lĩnh vực này rất lớn nhưng Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn về công nghệ, quy chuẩn thực hiện cũng như trình độ năng lực nhân sự của ngành.
“Trong những năm qua, các cơ quan quản lý liên quan đã ban hành nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng việc thực hiện đến đâu và chế tài xử phạt như thế nào vẫn còn khoảng trống. Còn một lỗ hổng nữa mà Hiệp hội chúng tôi đang xúc tiến đẩy mạnh hoàn thiện, đó là tham mưu cơ quan chức năng ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sử dụng thang máy. Mặc dù Việt Nam đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn về thiết kế, lắp đặt thang máy nhưng cần phải có thêm tiêu chuẩn, quy chuẩn trong quá trình sử dụng như quy định người nào được bảo trì thang máy, khi nào thay thế linh kiện định kỳ, định mức nhân sự… Do đó, việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế rất quan trọng”, ông Đức bày tỏ.
Ông Graham Worthington, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy, Thang cuốn châu Á-Thái Bình Dương (PALEA) cho biết, mục tiêu đặt ra hiện nay là nâng cao an toàn thang máy, thang cuốn thông qua công tác xây dựng, cập nhật và cải thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn thang máy tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bảo đảm theo kịp xu hướng quốc tế, nâng cao năng lực và hiểu biết của những doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong ngành. Tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là hài hòa các quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng như quy trình đánh giá hợp quy cho các sản phẩm thang máy, thang cuốn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
“Việc hài hòa quy chuẩn, tiêu chuẩn thang máy trong khu vực sẽ góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực do sự khác biệt về yêu cầu kỹ thuật trong an toàn, thiết kế, sản xuất và lắp đặt sản phẩm thang máy và thang cuốn giữa các quốc gia. Hoạt động này cũng sẽ góp phần gia tăng tính di động cho nhân lực lắp đặt và bảo trì thang máy giữa các nước trong khu vực, quốc tế”, Chủ tịch PALEA cho hay.
Bảo Lâm (Vietq.vn)